Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn

Tên sách: Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn
Tác giả: Ibuka Masaru
Dịch giả: Nguyễn Thị Thu
Giá:  69.000 vnđ 
Số Trang:
Nhà xuất bản: Văn học
Khổ: 20.5x14.5x1 cm

MUST-HAVE BOOK
THÔNG TIN TÁC GIẢ:

Ibuka Masaru (1908-1997) sinh ra ở tỉnh Tochigi, một tỉnh nằm ở phía bắc Tokyo. Ông tốt nghiệp khoa Khoa học và Công nghệ, trường Đại học Waseda. Năm 1946, ông đã sáng lập ra công ty Công nghệ viễn thông Tokyo (Tokyo Tsushin Kogyo), chính là công ty tiền thân của công ty điện tử Sony. Năm 1950, với cương vị chủ tịch, ông đã xây dựng, phát triển công ty Sony trở thành công ty điện tử nổi tiếng trên thế giới.
Năm 1969, ông thành lập "Trung tâm nghiên cứu và phát triển giáo dục trẻ tuổi ấu thơ" và giữ chức chủ tịch. Ông đã dành rất nhiều tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục trẻ thơ. Ông được vinh danh là người sáng lập, đồng thời là chủ tịch hội đồng quản trị của Sony. Năm 1989, ông được nhận huân chương "Thành tựu văn hóa" của Bộ Giáo dục Nhật Bản. Ngoài ra ông còn nhận huân chương văn hóa "Bunka- kunsho", huân chương "Kyojitsu Daijusho". Tác phẩm nổi tiếng cùng đề tài của công là "Lên chiến lược từ 0 tuổi" (Nhà xuất bản Koshabunko). Ông mất năm 1997.

GIỚI THIỆU SÁCH:

Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn" là một trong những tác phẩm về nuôi dạy trẻ được cha mẹ Nhật yêu thích nhất. Cuốn sách xuất bản lần đầu năm 1971, sau này được biên soạn lại và tái bản vào năm 2008. Những lý thuyết trong cuốn sách đã được cha mẹ Nhật áp dụng để nuôi dạy con cái mình.

Tác giả Ibuka Masaru là người sáng lập tập đoàn Sony đồng thời là một nhà nghiên cứu giáo dục. Dựa trên những nghiên cứu về sinh lý học của não bộ và di truyền học, ông khẳng định sự phát triển về trí tuệ và năng lực của trẻ được quyết định trong giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi, giai đoạn này là "thời kỳ thích hợp" để "nuôi dạy một đứa trẻ trở nên ngoan ngoãn, vui vẻ, có trí tuệ thông minh và khỏe mạnh". Từ đó, ông đưa ra những giải pháp giúp các bậc cha mẹ tạo ra môi trường để trẻ có thể phát huy hết khả năng của mình trong "giai đoạn vàng" của sự phát triển trí tuệ.

Ibuka Masaru đã chỉ ra những khả năng kinh ngạc của trẻ mà có thể nhiều cha mẹ chưa biết như trẻ ba tháng tuổi có thể cảm nhận được nhạc của Bach, trẻ sáu tháng tuổi có thể học bơi, giáo dục sớm có thể giúp trẻ khiếm thính nghe được... Theo tác giả, sẽ thật đáng tiếc nếu như cha mẹ bỏ qua giai đoạn vàng này bởi đến năm 6 tuổi, khả năng tiếp thu diệu kỳ của trẻ sẽ biến mất.

Các ví dụ trong "Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn" trực quan và thực tiễn. Tác giả đề xuất cha mẹ nên trò chuyện với trẻ và đọc truyện cho trẻ nghe từ lúc lọt lòng; cho trẻ nghe nhạc và học nhạc từ sớm; dạy chữ sớm cho trẻ; dẫn trẻ đi dạo, đi công viên, viện bảo tàng; để trẻ tự lập, tự xúc ăn và làm vệ sinh cá nhân chứ không làm thay trẻ.

Những hiểu lầm của cha mẹ với con cái trong đời sống hàng ngày được tác giả phân tích và cha mẹ sẽ hiểu được tâm lý của con mình thông qua những bài viết như khen ngợi trẻ tốt hơn là la mắng, sáu nguyên nhân trẻ hay hờn dỗi, cười khuyết điểm của trẻ sẽ khiến trẻ tổn thương mãi mãi...

"Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn" còn trình bày quan điểm dạy con trước hết phải dạy mẹ, theo đó, chỉ khi mẹ thay đổi tư duy thì mới có thể nuôi dạy con tốt. Bên cạnh việc chỉ ra những sai lầm trong tư duy dạy con hiện nay của mẹ (thiếu tự tin, chạy theo quá nhiều phương pháp giáo dục nổi tiếng, chạy theo thành tích, phân biệt rõ ràng giữa nuôi và dạy), tác giả đưa ra những nguyên tắc mà mẹ có thể áp dụng để thay đổi cách nghĩ của chính mình: Mẹ phải có mục tiêu lâu dài, mẹ nhìn con để học tập, người mẹ quan trọng hơn người cha trong việc nuôi dạy con người, không bỏ dở chừng trong việc dạy con, con cái không phải là vật sở hữu của cha mẹ.

Với cuốn "Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn" của Ibuka Masaru, các bậc phụ huynh sẽ có cái nhìn đúng đắn về việc cần thiết phải giáo dục sớm để con phát triển toàn diện và bộc bộ được hết khả năng của mình.

NHẬN XÉT CỦA MÍT:

Phải nói là ngay khi đọc được mấy trang đầu, mình đã có ấn tượng rất tốt với cuốn sách này (tuy rằng đây cũng là cuốn sách toàn chữ, không có hình minh họa). 

Đầu tiên phải kể đến ngôn từ, tác giả Ibuka đã viết những câu văn khá cô đọng và súc tích, khiến cho cuốn sách không hề khô khan mà lại rất dễ đọc.

Thứ hai, những nội dung ông nêu ra đã đánh trúng tâm lý của mình, một người đang băn khoăn, không biết liệu chọn phương án "giáo dục sớm" có phải là hại trẻ không, hay đó thực sự là việc áp dụng những tiên tiến của khoa học ngày nay để trẻ có sự phát triển tốt hơn, toàn diện hơn. 

Mình đặc biệt tâm đắc với một câu nói trong sách: "Việc dạy trẻ học nhạc, học chữ, học Tiếng Anh khoong phải nhằm mục đích tạo ra những thiên tài hay chuyên gia về lĩnh vực đó, mà nó là những yếu tố kích thích gây ảnh hưởng rất tốt đến sự phát triển toàn diện cho não bộ của trẻ".

Những lý luận của ông cũng là những lý luận mà mình có thể học tập để giúp những người xung quanh ủng hộ phương pháp "giáo dục sớm" mà mình dự định thực hiện với các em bé.

Một điều nhỏ nữa, là trong tác phẩm này, Ibuka đưa ra rất nhiều ví dụ liên quan đến lớp học Violin của thày Suzuki Shinichi. Mình là người rất có hứng thú với violin, cũng mong muốn sau này những đứa con của mình có thể theo học violin (piano cũng hay nhưng mình thích violin hơn, có lẽ vì tính năng động của cây đàn nhỏ bé đó). Học violin vừa giúp tăng khả năng tập trung cho tẻ, nuôi dạy tinh thần chỉ huy lại còn làm trẻ có "khuôn mặt đẹp khi lớn lên" - tốt thế còn gì nữa. 

Mình chia sẻ sách với các mẹ nhé:

https://copy.com/p0cQnJcGnHdMAS4V

Bạn vui lòng ghi rõ nguồn (http://mit-mia-mon.blogspot.com) nếu sử dụng lại hình ảnh và bài viết trên blog này. Mình cảm ơn.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét