Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2014

Dính tử cung - Phần 2: Chụp X-Quang Tử cung Vòi trứng

Sau khi chủ động để có thai tự nhiên một năm mà chưa có thai (mình có tiền sử lưu thai 7 tuần - không có tim thai), vợ chồng mình đã đến bác sĩ Dục - Viện C thăm khám nhằm tìm ra nguyên nhân gây ra vô sinh cũng như hướng điều trị. Bác sĩ đã đề nghị vợ chồng mình làm một số xét nghiệm,
  • Xét nghiệm Anti Cardiolipin, Anti Photpholipit (tại Viện C)
  • Xét nghiệm Nhiễm sắc thể đồ cho cả 2 vợ chồng (thực hiện tại Đại học Y)
  • Chụp X- quang Tử cung Vòi trứng (hay còn gọi là Chụp cản quang tử cung vòi trứng)
2 cái xét nghiệm đầu tiên thì mình không có ý kiến gì cả, ngoan ngoãn đi làm ngay (chỉ là lấy máu để họ xét nghiệm ra kết quả thôi). Nhưng riêng vụ chụp X- quang Tử cung vòi trứng thì vợ chồng mình hơi lăn tăn vì khi tìm hiểu cũng thấy khá nhiều người gặp trục trặc sau khi chụp. Tuy nhiên, bác Dục cũng động viên 2 vợ chồng là việc chụp này cũng không gây ảnh hưởng gì nhiều đến khả năng sinh sản, tuy nhiên bác cũng dặn là đừng lạm dụng mà suốt ngày đi chụp/ kiểm tra nhiều lần.

Trong bài này, mình sẽ chia sẻ với các bạn một số thông tin về Chụp X- quang Tử cung Vòi trứng cũng như kinh nghiệm 2 lần đi chụp của mình (Lần thứ nhất vào tháng 12/2013 và lần 2 vào tháng 7/2014)
1. Chụp X-Quang Tử cung Vòi trứng là gì? 

Chụp X-Quang Tử cung Vòi trứng (HSG- hysterosalpingogram) là một phương pháp sử dụng tia-X để kiểm tra ống dẫn trứng có thông suốt hay bị tắc nghẽn và xem được hình dạng buồng tử cung có bình thường hay không.

HSG được thực hiện trong vòng 30 phút, và chụp vào thời điểm bệnh nhân sạch kinh nhưng trước khi rụng trứng bởi vì sau đó bệnh nhân có khả năng có thai (thường là từ 3 - 5 ngày sau khi sạch kinh).

2. Chuẩn bị gì trước khi Chụp cản quang tử cung buồng trứng

- Trước khi chụp bạn cần được kiểm tra để đảm bảo không bị viêm nhiễm để tránh việc bơm thuốc vào tử cung gây ra hậu quả viêm nhiễm ngược. 

- Bác sĩ sẽ thăm khám phần phụ và cho bệnh nhân làm xét nghiệm nấm Chlamydia. Việc thăm khám và xét nghiệm là bắt buộc và không thể bỏ qua. 

- Các kỹ thuật viên khi chụp X Quang cần có kết quả xét nghiệm nấm thì mới thực hiện.

- Bạn nên đi chụp X Quang vào buổi sáng và nhớ là phải ăn thật no trước khi chụp nhé.

- Trước khi chụp khoảng 2 tiếng bạn có thể uống 1 viên kháng sinh và trước khi chụp 30ph thì uống 1 viên giảm đau Paracetamol sủi.
Mình không được bác sĩ kê kháng sinh trước khi chụp nên cũng không uống gì cả. Chỉ ăn no thôi.
- Trước khi chụp HSG, bác sĩ sẽ kê cho bạn đơn uống sau chụp (thường là uống trong 5 ngày để tránh viêm nhiễm và viên giảm đau).
Đơn của mình là Zinat 500mg x 10 viên/ chia 2 viên/ngày và Alphoa choay 20 viên/ chia 4 viên/ ngày. Bạn nên uống đầy đủ theo đơn nhé.
3. Chụp cản quang tử cung buồng trứng được tiến hành như thế nào? 

- Bạn sẽ chụp phim ở tư thế nằm.
- Bác sĩ phụ khoa hay bác sĩ X-quang sẽ đặt một dụng cụ (mỏ vịt) vào trong âm đạo, lau sạch cổ tử cung và đặt một ống thông (catheter) vào lỗ cổ tử cung.
- Sau đó bác sĩ sẽ bơm vào buồng tử cung một ít dung dịch có chứa chất cản quang (Iốt).
- Dung dịch cản quang sẽ đi vào hai ống dẫn trứng, và vào ổ bụng nếu ống dẫn trứng thông suốt.
- Bác sĩ sẽ chụp hình ở các thời điểm khác nhau (sau khoảng 15ph) để xem thuốc có lên được và chảy vào ổ bụng qua 2 vòi trứng không. 
Những bất thường trong lòng tử cung cũng có thể phát hiện nhờ phim X-quang.
Xét nghiệm HSG không dùng để khảo sát buồng trứng hoặc chẩn đoán lạc nội mạc tử cung.
Sau khi chụp phim HSG, bệnh nhân có thể sinh hoạt bình thường, tuy nhiên một số bác sĩ đề nghị nên tránh giao hợp một vài ngày.
4. Chụp HSG có đau không? 

Trong quá trình chụp bạn có thể cảm thấy đau, đau nhiều hay ít là tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người, có người sẽ thấy bị đau quằn quại không thể chịu nổi, nhưng cũng có người chỉ bị tức bụng như ở chu kỳ kinh. Để tránh đau nhiều, bệnh nhân nên uống giảm đau trước, vì khi bị đau cơ thể cũng sẽ gây ra những phản ứng làm ảnh hưởng đến kết quả chụp phim.Bạn nên có người thân hay bạn bè giúp đưa về nhà sau chụp phim.
Cả 2 lần chụp HSG mình đều không cảm thấy đau mà chỉ thấy hơi tức tức bụng như khi có kinh nguyệt thôi. Lần đầu chụp thì mình tức ít hơn, lần sau có nhiều hơn chút xíu nhưng cũng không lâu lắm đâu. Nên các bạn không nên sợ hãi gì nhé. Chủ yếu là khi chụp các bạn nên thả lỏng người, đừng co rúm vào hoặc cứng người, bạn sẽ làm khó cho bác sĩ cũng như khó cho chính mình (càng sợ, càng rúm người, càng ngọ nguậy sẽ càng đau).  
5. Chụp HSG có làm tăng khả năng có thai không? 

Có thể khi bơm dung dịch cản quang vào lòng tử cung sẽ tống các chất nhầy, máu cục giúp ống dẫn trứng thông thoáng trở lại, và trong một vài nghiện cứu cho thấy có tăng nhẹ số có thai trong ba tháng sau chụp HSG. Nhưng hầu hết các bác sĩ cho chỉ định thực hiện HSG với mục đích chẩn đoán.
Nhiều ý kiến cho rằng (và bác sĩ cũng khuyến nghị rằng) cần tránh thai trong chu kỳ chụp X Quang vì sợ dư lượng tia X sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên cũng có trường hợp các mẹ có bầu ngay trong chu kỳ chụp và sinh bé bình thường, nhưng vấn đề này vẫn không có đáp án rõ ràng, nên khuyến cáo mọi người nên có biện pháp bảo vệ trong chu kỳ chụp để tránh các lo lắng trong quá trình mang thai.

6. Có những nguy cơ và biến chứng gì khi thực hiện HSG? 
  • HSG được xem là một thủ thuật rất an toàn. Tuy nhiên, vẫn có một số biến chứng, và những biến chứng nghiêm trọng xảy ra không quá 1%. 
  • Nhiễm trùng- biến chứng nguy hiểm thường gặp nhất khi chụp HSG là nhiễm trùng vùng chậu. Điều này xảy ra thường là do bệnh nhân có nhiễm trùng ống dẫn trứng trước đó. Một số ít trường hợp, nhiễm trùng làm tổn thương ống dẫn trứng và đôi khi cần phải cắt bỏ ống dẫn trứng. Bệnh nhân nên đến thăm khám bác sĩ khi đau nhiều hơn hoặc sốt trong một đến hai ngày sau chụp HSG. 
  • Ngất xỉu- rất hiếm xảy ra, bệnh nhân có thể cảm giác choáng váng trong và một thời gian ngắn sau khi chụp HSG. 
  • Nhiễm xạ - lượng tia-X tiếp xúc khi chụp HSG là rất ít, và ít hơn nhiều so với chụp cản quang thận hay ruột. Hiện chưa phát hiện bệnh lý nào do những tia xạ này gây ra, thậm chí khi có thai trong chu kỳ chụp HSG. Không thực hiện HSG khi nghi ngờ có thai. 
  • Dị ứng Iốt – rất ít gặp trường hợp bệnh nhân bị dị ứng với chất cản quang Iốt trong dung dịch bơm vào buồng tử cung. Bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ tiền căn dị ứng như với Iốt, thuốc cản quang truyền tĩnh mạch, hay hải sản. Những phụ nữ bị dị ứng với Iốt sẽ thực hiện HSG với dung dịch cản quang không chứa Iốt. 
  • Nếu bệnh nhân xuất hiện ban, sưng phồng hay ngứa sau chụp HSG cũng phải báo cho bác sĩ biết để điều trị.
  • Xuất huyết âm đạo, bệnh nhân thường ra ít huyết âm đạo trong một đến hai ngày sau chụp HSG. Còn nếu chảy máy nhiều thì bệnh nhân phải đến bệnh viện kiểm tra lại. 
7. Một số địa chỉ chụp HSG tại Hà Nội
  • Bệnh viện Phụ sản TW - Viện C 
  • Bệnh viện ĐH Y 
  • Bệnh viện Trí Đức 
  • Bệnh viện Hồng Ngọc 
  • Phòng khám Meladtec 
Cá nhân mình thì cả 2 lần chụp mình đều chụp ở Trí Đức . Cả bác sĩ Dục - viện C và bác sĩ Cương - bệnh viện Bưu điện đều chỉ định mình ra Trí Đức chụp. Kết quả của mình được bác Tiến - viện trưởng viện C chấp nhận nên mình cũng không có ý kiến gì cả.
(Chi phí cho 1 lần chụp là 800k/ lần. Bạn sẽ nhận được 4 phim chụp)
 8. Kết quả các lần chụp của mình

- Tháng 12/2013, lần đầu mình đi chụp, kết quả của mình như sau:
  • Phim thẳng: Buồng tử cung ngấm đầy thuốc, vùng thân có hình khuyết thuốc. Hai vòi trứng ngấm thuốc tới đoạn loa.
  • Phim nghiêng: Tử cung ngả sau.
  • Phim tháo thuốc: Buồng tử cung thoát thuốc chậm. Hai loa vòi trứng đọng thuốc và thuốc lưu thông vào ổ bụng.
  • Phim chụp muộn (Cotte): Thuốc lan toả vào khoang phúc mạc.
  • Kết luận: Buồng tử cung hình thái bình thường, viêm dính một phần niêm mạc vùng thân tử cung. Hai vòi trứng thông. 
Bác sĩ kết luận thêm là phải đi điều trị tách dính thì mới có khả năng có em bé. Cầm kết quả này về đến nhà, mình khóc hết nước mắt. Tuy rằng tự AQ bản thân là dù sao có bệnh tức là có cách chữa, chứ vô sinh không rõ nguyên nhân còn khổ hơn nữa nhưng trong cả 1 thời gian dài mình không thoát khỏi cái cảm giác sợ hãi, bất an.
Nếu bạn có cùng kết quả giống mình, bạn có thể tham khảo bài viết về Dính tử cung Mổ nội soi tách dính của mình.
- Tháng 7/2014, mình đi chụp lần thứ hai. Lần này mình bước vào phòng chụp với tâm lý lo lắng. Đến khi cầm kết quả trên tay cũng như nghe bác sĩ phán, mình vẫn còn cảm giác run run. Kết quả lần 2 của mình:
  • Phim thẳng: Buồng tử cung ngấm đầy thuốc, vùng thân có hình khuyết thuốc. Hai vòi trứng ngấm thuốc tới đoạn loa.
  • Phim nghiêng: Tử cung ngả sau.
  • Phim tháo thuốc: Buồng tử cung thoát thuốc chậm. Hai loa vòi trứng đọng thuốc và thuốc lưu thông vào ổ bụng.
  • Phim chụp muộn (Cotte): Thuốc lan toả vào khoang phúc mạc.
  • Kết luận: Buồng tử cung hình thái bình thường, viêm dính một phần niêm mạc vùng đáy tử cung. Hai vòi trứng thông. 
Bác sĩ kết luận là mình có thể chọn hoặc là điều trị hoặc không. Trường hợp dính này không ảnh hưởng tới việc có em bé một cách tự nhiên. Nghe được mấy câu này của bác sĩ, vợ chồng mình đã nhìn nhau và thở phào. Không biết tương lai sẽ ra sao nhưng kết quả này cũng khiến vợ chồng mình vững tin hơn trong công cuộc tìm kiếm bé yêu về nhà.
Bạn vui lòng ghi rõ nguồn (http://mit-mia-mon.blogspot.com) nếu sử dụng lại hình ảnh và bài viết trên blog này. Mình cảm ơn.  

2 nhận xét:

  1. Cảm ơn bài viết của bạn.
    Mình cũng chụp ở Trí Đức, kết quả gần giống của bạn nhưng sao lại ko kết luận viêm dính:
    Của mình như thế này
    Phim thẳng: Buồng tử cung ngấm đầy thuốc, vùng thân có hình khuyết sáng (nghi đến dịch). Hai vòi trứng ngấm thuốc tới đoạn loa.
    Phim nghiêng: Tử cung ngả trước
    Phim tháo thuốc: Buồng tử cung thoát thuốc chậm. Hai loa vòi trứng đọng thuốc và thuốc lưu thông vào ổ bụng.
    Phim chụp muộn (Cotte): Thuốc lan toả vào khoang phúc mạc.
    Kết luận: Buồng tử cung hình thái bình thường, Hai vòi trứng thông.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào bạn,
      Đầu tiên mình chúc mừng bạn vì kết quả chụp tốt đẹp của bạn.
      Còn lại thì việc bạn nói kết quả của chúng ta gần giống nhau, đó là do việc miêu tả sự lưu thông của thuốc cản quang trong tại buồng tử cung. Còn ngoài ra, bác sĩ còn phải nhìn phim và đánh giá những vấn đề khác như: tình trạng niêm mạc tử cung, lạc nội mạc tử cung, dị dạng tử cung. Trong phim chụp tháng 12/2013, trong phim, bác sĩ thấy được dải dỉnh tử cung của mình nên mới kết luận như vậy. Phim của bạn đẹp nên bác sĩ mới không đưa ra kết luận nào.
      Hãy cứ yên tâm bạn nhé.
      Thân.

      Xóa