Với tình hình an toàn thực phẩm hiện nay, điều mà các bà nội trợ quan tâm nhất là liệu đồ ăn cho cả gia đình có chất lượng hay không?
Mình thì không giỏi lắm về việc trồng rau nhưng cũng đã học hỏi được kha khá về cách tự làm giá đỗ - thức ăn khá phổ biến trong các gia đình Việt Nam.
Giá đỗ thuộc nhóm rau mầm làm từ các loại đỗ: đỗ xanh, đỗ đỏ, đỗ vàng (đỗ tương), đỗ đen, đỗ nâu (đậu phộng). Giá của loại đỗ nào sẽ mang phần bản chất của loại đỗ sinh ra nó. Điều kỳ diệu của giá đỗ là nó bổ hơn hạt đỗ cả chất và lượng. Qua quy trình ngâm ủ, giá sẽ có hàm lượng protein, vi chất cần thiết đặc biệt là kẽm và selen, acid amin và vitamin C, khoáng chất cao hơn. Do đó, loại rau này khá là tốt cho các "Anh xã" của chúng mình cũng như cho các bé yêu (như làm đồ ăn dặm).
Trồng giá đỗ khá đơn giản mà lại không quá tốn nhiều thời gian Chỉ cần gieo mầm tối hôm trước, sáng hôm sau giá đã nảy những mầm xanh rất đáng yêu. 4 ngày sau thì là bạn đã có thể thu hoạch được mẻ giá ngon lành rồi.
1. Nguyên liệu:
- 0,5kg đỗ xanh. Bạn có thể chọn đỗ tiêu hoặc đỗ xanh thường đều được. Với loại đỗ tiêu, giá nảy mầm ăn sẽ ngon và bùi hơn. Tuy nhiên, nếu bạn thích giá mập mạp, những hạt đỗ xanh thường vẫn luôn lý tưởng hơn cả.
- 1 cái rổ sach.
- Vài tấm khăn cũ.
2. Cách làm:
- Bước 1: Đỗ xanh rửa đãi sạch cát sạn. Ngâm đỗ xanh đã rửa sạch vào nước ấm khoảng 38 độ C, từ 8 - 12 tiếng (tốt nhất là để qua đêm hoặc đến khi nhìn thấy tất cả hột đỗ có mầm nhú lên là được).
Đỗ xanh sau khi đã rửa sạch |
Đỗ xanh sau khi ngâm nước ấm qua đêm. Bạn có thể thấy các hạt đã nảy nở thêm nhiều rồi |
- Bước 2: Trải một lớp khăn lên trên rổ. Bạn lưu ý không chọn rổ có lỗ quá to, tránh hạt bị rơi xuống dưới.
Nếu không muốn trồng giá trong rổ, bạn có thể lấy một cái nồi sạch rồi lót khăn. Giá trồng trong nồi sẽ to và mập hơn. Tuy nhiên, lớp đỗ dưới cùng sẽ dễ bị úng nước, dễ hỏng nếu bạn không chắt nước cẩn thận. Mình thì chưa thử qua cách trồng giá trong chậu nên không có kinh nghiệm nhiều lắm.
- Bước 3: Rải đều đỗ lên mặt khăn.
Chú ý: Bạn không nên dàn quá dày, đỗ sẽ không có chỗ nảy mầm.
- Bước 4: Phủ một lớp khăn lên đỗ, tiếp tục rải lớp thứ 2. Làm liên tục cho đến khi hết đỗ.
- Bước 5: Lèn một lớp khăn cuối cùng lên đỗ. Cất vào chỗ thoáng mát và tránh ánh sáng mặt trời (vì ánh sáng sẽ làm giá nhanh mọc và sợi dài, không được căng mập).
Chú ý: Lèn càng chặt thì đỗ nảy mầm sẽ càng mập. Mình đã 2 lần thử dùng vật nặng để chèn với mong muốn là sẽ thu hoạch được mẻ mập mạp nhưng cuối cùng cả 2 lần đều thất bại: giá của mình không nảy mầm.
Giá nảy mầm chỉ sau buổi đầu tiên |
- Bước 6: Mỗi ngày, đêm mang rổ đậu ra tưới nước một lần.
Sau khi tưới nước vào chậu ngâm giá, bạn nhớ phải để giá thật ráo nước mới đặt trở lại vào chậu nhé, kẻo giá sẽ bị úng nước và chết.
- Bước 7: Và cuối cùng thì chúng ta đã thu hoạch được mẻ giá để chế biến rồi.
- Bước 8: Khi đã có thành phẩm, bạn nên cho giá vào rổ to và thưa, cho vào chậu nước khuấy đều. Lúc này, giá và vỏ đỗ sẽ dễ dàng tách rời nhau mà bạn không phải mất công lọ mọ ngồi nhặt.
Chúc các bạn thành công!
Bạn vui lòng ghi rõ nguồn (http://mit-mia-mon.blogspot.com) nếu sử dụng lại hình ảnh và bài viết trên blog này. Mình cảm ơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét