Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Dính tử cung - Phần 1: Tổng quan về Dính buồng tử cung

Ngay sau khi chụp X - Quang Tử cung - Vòi trứng và nhận được kết quả mình bị Dính một phần niêm mạc tử cung (tai biến sau khi hút/nạo thai bé đầu tiên - 8 tuần không có tim thai), vợ chồng mình hết sức buồn và hoang mang nhưng cũng đã cấp tốc tìm kiếm hướng chữa trị.

Sau hơn nửa năm sau khi Mổ nọi soi gỡ dính, vợ chồng mình luôn sống trong tâm trạng lo âu, phập phồng. Đến nay, có thể nói là vợ chồng mình có thể có được kết quả khá là khả quan.

Với những gì đã trải qua (cả về tinh thần, vât chất), mình rất mong muốn có thể chia sẻ được với các bạn những  kiến thức mình đã thu thập được cũng như phương pháp chữa trị mà các bác sĩ đã áp dụng cho mình.

Mong là có thể giúp được những bạn nữ có cùng căn bệnh có thêm chút hy vọng hay những ai quan tâm cũng biết thêm được đôi điều về bệnh. Do lượng thông tin là không ít nên mình sẽ chia thành nhiều phần nhỏ để các bạn tiện theo dõi hơn, cụ thể:

Phần 1: Tổng quan về Dính buồng tử cung
1. Dính tử cung là gì?
Bình thường tử cung là một khối cơ rỗng, mặt trong của buồng tử cung được niêm mạc bao phủ. Tuy gọi là “buồng” nhưng thực sự đây chỉ là một “khoang ảo” vì hai mặt trước và sau của tử cung luôn áp sát lại với nhau.

Lớp niêm mạc tử cung bong ra hàng tháng tạo kinh nguyệt thì ngay lập tức các tế bào niêm mạc ở lớp đáy lại phát triển bao phủ buồng tử cung và dần dần lên trong suốt chu kỳ kinh sau.

Trường hợp buồng tử cung bị nạo thì khi thìa nạo lấy hết lớp niêm mạc đi (kể cả lớp đáy) để trơ lại lớp cơ tử cung, vì vậy khi hai mặt tử cung áp sát lại, không còn lớp niêm mạc ngăn cách sẽ dính lại với nhau.

dính buồng từ cung nguyên nhân và cách điều trị

2. Nguyên nhân gây dính buồng tử cung?
Dính buồng tử cung có thể do các nguyên nhân sau:
  • Thao tác trong tử cung: Các thao tác thủ thuật như nạo vét thai có thể làm tổn thương tử cung, cùng với đó là việc không tuân thủ các chỉ định của bác sĩ sau thủ thuật làm tăng khả năng viêm nhiễm âm đạo rồi lan dần tới buồng tử cung gây dính tử cung. Các thủ thuật tiến hành bóc tách u xơ tử cung cũng có thể làm dính tử cung… 
Để phòng tránh nguyên nhân trên, các bạn cần tới các cơ sở y tế chuyên khoa để thực hiện các thủ thuật để đảm bảo an toàn và đúng kỹ thuật.
Ngoài ra, các bạn cũng nên tuân thủ tuyệt đối các chỉ định của bác sĩ điều trị.
  • Viêm do thủ thuật: tử cung bị viêm nhiễm kết hạch, sau khi làm thủ thuật tử cung bị viêm nhiễm, viêm nhiễm hậu sản và sau thủ thuật cơ quan tiết dục trong tử cung dẫn đến viêm nhiễm… 
  • Tác động của con người: Một số các nguyên nhân gây dính tử cung khác là việc suy thoái tầng đáy nội mạc tử cung dẫn đến tử cung bị dính do thủ thuật cắt bằng điện nội mạc tử cung, vi sóng, đông lạnh trong tử cung và trị xạ cục bộ… 
  • Ngoài nguyên nhân dính buồng tử cung do biến chứng của hút nạo thai, bệnh còn xảy ra sau nhiễm trùng như lao nội mạc tử cung hay viêm nhiễm vùng kín.
Trường hợp của mình:
Khi tiến hành các thủ thuật nạo hút thai, các bác sỹ thường cố gắng làm thật sạch bên trong, nhưng lại không thể nhìn thấy được, nên có thể khiến niêm mạc tử cung tổn thương đến lớp đáy, làm tổn thương niêm mạc. Nạo thai càng sâu làm lớp đáy nội mạc tử cung càng mòn, mất khả năng tái tạo nội mạc tử cung thì hai mặt trước và sau của tử cung sẽ dính vào nhau.
Tùy thuộc mức độ tổn thương mà lòng tử cung có thể dính hoàn toàn hoặc một phần. Trường hợp của mình là dính một phần niêm mạc tử cung.

3. Biểu hiện của dính buồng tử cung
  • Một trong biểu hiện dính buồng tử cung của bệnh là ngày kinh và lượng kinh ra rất ít mỗi kỳ nguyệt san, hay có thể tắt hẳn.
  • Bản chất của hành kinh là việc bong các lớp niêm mạc tử cung. Khi buồng tử cung bị dính lại, sẽ không có chỗ cho lớp niêm mạc chức năng mọc nên sẽ có rất ít kinh hoặc không có kinh tùy thuộc vào mức độ (toàn phần hoặc bán phần), vị trí dính, nguyên nhân gây dính buồng tử cung. Mặc dù vậy, bệnh nhân vẫn thấy cơ thể có những triệu chứng báo hiệu ngày hành kinh như tức ngực, người mệt mỏi, khó chịu, đau lưng… 
Nếu tử cung bị dính toàn bộ thì buồng tử cung hầu như không tồn tại nữa. Trường hợp này người bệnh sẽ vô kinh.

Nếu niêm mạc tử cung chỉ dính một phần, ngoài chỗ dính vẫn còn lại các phần có niêm mạc thì họ vẫn còn kinh nhưng lượng máu kinh thường ít (thiểu kinh), số ngày kinh rút ngắn và có thể kèm theo thống kinh (do máu thoát khỏi tử cung khó khăn).
  • Đau bụng do viêm nhiễm kèm theo hoặc do máu kinh không thoát ra được. 
  • Sau một số ngày hành kinh, máu trong tử cung không chảy nữa (sạch kinh), lượng nước trong máu kinh giảm đi, máu kinh được cô đặc lại thì người bệnh hết đau bụng nhưng đến tháng sau các triệu chứng đó lại lặp lại và càng về sau càng nặng nề hơn.

4. Hậu quả của dính buồng tử cung

Dính tử cung gây ra các hậu quả nghiêm trọng tới vấn đề sinh sản của nữ giới, đây là một nguyên nhân gây ra vô sinh. Các hậu quả của DTC là:
  • Rối loạn kinh nguyệt
  • Khó thụ thai
  • Vô sinh
  • Dễ gây sảy thai: do bào thai không bám vào các vị trí có niêm mạc để làm tổ. 
  • Sinh non: do BTC mất đi sự đàn hồi tự nhiên không đáp ứng được sự phát triển của thai nhi 
  • Chảy máu ồ ạt sau sinh: do rau bám chặt vào TC nơi không có niêm mạc tử cung, nên khi thai nhi ra ngoài có thể làm phần tử cung bị tổn thương nặng 
  • Thai nhi bị dị tật: nếu vết dính TC ngăn cản sự phát triển của thai nhi.
5. Phương pháp chuẩn đoán Dính buồng tử cung

  • Chụp X-Quang Tử cung - Vòi trứng: 
- Các kỹ thuật viên sẽ bơm chất cản quang vào BTC thông qua ngả âm đạo. Nếu dính tử cung kèm theo ứ đọng máu kinh bên trong có thể phát hiện qua siêu âm phát hiện nội mạc mỏng hoặc ứ dịch lòng tử cung.

- Với những vị trí bị dính sẽ hình thành vùng khuyết trên phim chụp, từ đó các bác sĩ có thể có kết luận sơ bộ về vị trí dính và mức độ dính và đưa ra các khuyến nghị điều trị.
  • Nội soi Buồng tử cung: Phương pháp tốt nhất để chuẩn đoán
- Các bác sĩ sẽ đưa đèn soi có camera thông qua ngả âm đạo để nhìn trực quan trong Buồng tử cung.
- Với phương pháp này các bác sĩ sẽ biết được chính xác mức độ dính của Buồng tử cung cũng như vị trí dính. 
Tuy nhiên, nội soi Buồng tử cung được coi như là một ca phẫu thuật, bệnh nhân sẽ phải được gây mê trong quá trình làm nên thông thường các bác sĩ sẽ yêu cầu bạn chụp X-Quang Tử Cung Vòi Trứngtrước khi có quyết định đề nghị nội soi tử cung.

6. Điều trị Dính buồng tử cung

Dính tử cung có thể được điều trị bằng: Nong tách tử cung và nội soi gỡ dính.
  • Nong tách tử cung
- Các bác sĩ sẽ cho dụng cụ tách dính vào Buồng tử cung qua ngả âm đạo, kết hợp với kết quả chụp X-Quang và màn hình máy siêu âm để đưa dụng cụ tách dính tới các vị trí dính để tách.

- Hạn chế của phương pháp này các các bác sĩ không thể nhìn trực quan trong lòng tử cung nên chỉ có thể làm việc theo cảm tính và hiệu quả không cao với các vết dính ở đáy tử cung trong khi biến chứng nguy hiểm có thể là thủng tử cung nếu bác sĩ không có tay nghề cao.

- Nong tách TC được khuyến nghị sử dụng cho các vết dính ở vùng cổ tử cung.
  • Nội soi gỡ dính
- Nội soi gỡ dính là phương pháp hiệu quả nhất để xử lý các vết dính trong Buồng tử cung.

- Các bác sĩ sẽ đưa đèn soi và dao điện vào Buồng tử cung qua ngả âm đạo và tiến hành cắt dính.

- Nội soi gỡ dính chỉ được thực hiện ở các bệnh viện chuyên khoa có trang bị các trang thiết bị hiện đại và thực hiện bởi các bác sĩ đã có kinh nghiệm.
Trường hợp của mình: Để chắc chắn hơn về kết quả chữa trị, vợ chồng mình đã chọn Mổ nội soi gỡ dính tại viện C. Sau đó 6 tháng, mình đã đi chụp lại X-quang Tử cung vòi trứng và kết quả đã khả quan hơn rất nhiều. Tuy rằng còn chút dính ở đáy tử cung, mình có thể chọn hoặc là điều trị hoặc không. Các bác sĩ đều kết luận là nó không ảnh hưởng tới việc có em bé một cách tự nhiên. Nghe được mấy câu này của bác sĩ, vợ chồng mình đã nhìn nhau và thở phào. Không biết tương lai sẽ ra sao nhưng kết quả này cũng khiến vợ chồng mình vững tin hơn trong công cuộc tìm kiếm bé yêu về nhà.
Trên đây là những thông tin tổng quan nhất về Dính tử cung mà mình thu thập được. Trong bài tiếp theo, mình sẽ chia sẻ kỹ hơn về X- Quang Tử cung Vòi trứng để phát hiện ra bệnh cũng như phương pháp điều trị Mổ nội soi gỡ dính.

Nguồn: Tổng hợp trên internet và từ blog của MeKen&Ems http://dinhtucung.blogspot.com/. Nếu cần thêm thông tin hay có thắc mắc gì, các bạn cũng có thể liên lạc với chị MeKen&Ems, chắc chắc sẽ nhận được những chia sẻ hết sức hữu ích của chị ấy.

Bạn vui lòng ghi rõ nguồn (http://mit-mia-mon.blogspot.com) nếu sử dụng lại hình ảnh và bài viết trên blog này. Mình cảm ơn.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét